Giới thiệu >> Lịch sử Công ty

Công ty TNHH MTV Đóng Tàu Nam Triệu là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy. Khi mới thành lập vào tháng 1/1966 có tên là Công trường đóng thuyền biển sau đó là Xưởng Z21 (11/1966); Nhà máy Lê Chân (6/1977); Xi nghiệp Lê Chân trực thuộc Nhà máy sửa tàu biển Phà Rừng (4/1983); Nhà máy sửa chữa tàu biển Lê Chân (11/1988); Nhà máy sửa chữa tàu biển Nam Triệu (11/1989); Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (11/2000) ; từ tháng 4 năm 2007 và đến nay đổi tên thành Công ty TNHH MTV Đóng Tàu Nam Triệu.
Khi chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày càng mở rộng và ác liệt, các tuyến đường bộ từ Lạng Sơn tới Khu 4, Khu 5 bị oanh tạc hư hỏng nặng. Lúc này vận tải đường biển bằng các loại thuyền buồm, tàu cỡ nhỏ là khâu chủ yếu để phục vụ chiến trường. Công trường đóng thuyền biển ra đời, tiền thân của Công ty TNHH MTV Đóng Tàu Nam Triệu ngày nay. Với nhiện vụ tiếp nhận tàu đánh cá của Bộ Thủy sản để sửa chữa và hoán cải thành tàu vận tải, lắp máy và sửa chữa các loại tàu nói trên.
 
- Xưởng Z21 những ngày đầu phải sơ tán tại khu vực núi Đá Trồng - Quang Hanh - Quảng Ninh. Những lớp thợ đầu tiên vẫn còn nhớ như in về những ngày tháng vừa sản xuất vừa chiến đấu, trong điều kiện máy móc thiết bị thủ công, sản xuất trong hầm sâu vực hẻm. Song họ tự hào là lớp cán bộ, lớp thợ đầu tiên tạo dựng nền móng cho Nam Triệu, cũng như đóng góp mồ hôi, nước mắt và xương máu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Trong những năm tháng đầy cam go và thử thách ấy, Xưởng vẫn cho ra đời những sản phẩm thuyền buồm lắp máy từ 10T - 40T. Sửa chữa các phương tiện cho ngành đường biển như: tàu kéo sông, biển, tàu vỏ sắt 50T, tàu giải phóng, sà lan hàng khô, tàu tăng kít. Đóng mới thành công Ponton nổi P9 40T giúp cho Cảng Hải phòng tiếp nhận những lô hàng siêu trường, siêu trọng do Liên Xô viện trợ (Ngày bàn giao đã được Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị gửi thư và quà khen ngợi), cần cẩu nổi ngoạm bùn cho nhà máy xi măng, ca nô liên lạc cho đảm bảo hàng hải, phao đựng dầu 50T và thiết bị phục vụ cho ngành đường biển, tham gia chế tạo thiết bị phá thủy lôi đầu tiên của Việt Nam.
 
Trong những năm tháng đầy khó khăn thử thách và thiếu thốn trăm bề, các phong trào thi đua lao động sản xuất luôn được khơi dậy rộng khắp, cùng với đó là phong trào tiết kiệm vật tư nguyên liệu, phát huy sáng kiến, sáng tạo, hợp lý hóa lao động sản xuất đã hóp phần nâng cao được đời sống cho người lao động. Đồng thời đơn vị luôn hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao, bình quân mỗi năm sửa chữa trung , đại tu hàng trăm tàu sông, biển.
 
Với khối lượng công việc "quanh năm đột xuất, bốn mùa khẩn trương", những con tàu viễn dương như tàu Sông Đà, Hồng Hà, Sông Hàn, Sông Lô, Hòa Bình, Hữu Nghị, Thống Nhất.. sau mỗi hành trình đi biển đã được sửa chữa từng phần, trang trí đạt tới trình độ kỹ thuật, mỹ thuật tương đương với sửa chữa ở nước ngoài, góp phần tiết kiệm ngoại tệ đáng kể cho đất nước.
 
Ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đơn vị còn làm tốt nhiệm vụ chiến đấu, thực hiện có hiệu qủa phong trào "tiếng hát át tiếng bom", "tất cả cho tiền tuyến - quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Chiến dịch VT5, đồng thời đơn vị còn cử cán bộ công nhân viên lao động trực tiếp tham gia quân đội chiến đấu tại chiến trường miền Nam - tổng cộng 7 đợt, mỗi đợt từ 5 đến 7 người. Trong cuộc chiến tranh đó có 2 công nhân hy sinh tại chiến trường miền Nam. 
 
Với những đóng góp vào công cuộc xây dựng miền Bắc và giải phóng miền Nam, đơn vị đã được Chính phủ - Bộ giao thông vận tải và thành phố Hải Phòng trao tặng nhiều Bằng khen.
 
Nhìn bức tranh tổng thể của Nam Triệu hôm nay, ít ai nghĩ rằng cách đây gần 50 năm, nơi đây chỉ là bãi sú vẹt, nay đã "đổi thịt thay da" chúng ta càng thêm trân trọng, tự hào về những thành quả lao động trước sự đóng góp công sức - trí tuệ của lớp lớp cán bộ công nhân nơi này.